THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

Giấy phép lao động là một tài liệu cho phép người nước ngoài làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Sau đây Công ty chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn thủ tục cấp giấy phép lao động theo quy định mới nhất.

I. CÁC TRƯỜNG HỢP KHÔNG CẦN XIN GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG
Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có giấy phép lao động, trừ các trường hợp sau đây không thuộc diện xin giấy phép lao động:

1. Là thành viên góp vốn hoặc là chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn.

2. Là thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần.

3. Là Trưởng văn phòng đại diện, dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.

4. Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ.

5. Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý những sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.

6. Là luật sư nước ngoài đã được cấp giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật luật sư.

7. Theo quy định của Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

8. Là học sinh, sinh viên học tập tại Việt Nam làm việc tại Việt Nam nhưng người sử dụng lao động phải báo trước 07 ngày với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.

9. Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải;

10. Vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo quy định hay thỏa thuận trong các điều ước quốc tế về ODA đã ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài;

11. Được Bộ Ngoại giao cấp giấy phép hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;

12. Được cơ quan, tổ chức của nước ngoài cử sang Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu tại trường quốc tế thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam hoặc được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận vào giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục, đào tạo tại Việt Nam;

13. Tình nguyện viên có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam;

14. Vào Việt Nam làm việc tại vị trí chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và thời gian cộng dồn không quá 90 ngày trong 01 năm;

15. Vào Việt Nam thực hiện thỏa thuận quốc tế mà cơ quan, tổ chức ở Trung ương, cấp tỉnh ký kết theo quy định của pháp luật;

16. Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam;

17. Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam làm việc sau khi được Bộ Ngoại giao cấp phép, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác;

18. Có hộ chiếu công vụ vào làm việc cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;

19. Các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

II. TRƯỜNG HỢP CÔNG DÂN NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM LÀM VIỆC PHẢI XIN GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG.
Trừ các trường hợp được miễn xin giấy phép lao động nêu trên, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc phải xin giấy phép lao động, và để đủ điều kiện vào Việt Nam làm việc, phải thuộc một trong các diện: Là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.

1. ĐIỀU KIỆN CHUNG ĐỂ ĐƯỢC CẤP GIẤY LAO ĐỘNG TẠI VIỆT NAM
• Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.

• Có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc.

• Là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.

• Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài. (có lý lịch tư pháp)

• Được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng người lao động nước ngoài.

2. ĐIỀU KIỆN CỤ THỂ ĐỂ ĐƯỢC CÔNG NHẬN LÀ NHÀ QUẢN LÝ, GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH, CHUYÊN GIA HOẶC LAO ĐỘNG KỸ THUẬT.
A. Chuyên gia là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau:

- Có văn bản xác nhận là chuyên gia của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài;

- Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam; trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

B. Nhà quản lý, giám đốc điều hành là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau:

- Nhà quản lý là người quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp hoặc là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức;

- Giám đốc điều hành là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

C. Lao động kỹ thuật: Là người được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác ít nhất 01 năm và làm việc ít nhất 03 năm trong chuyên ngành được đào tạo.

III. HỒ SƠ XIN GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG
1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP theo Mẫu số 7 ban hành kèm theo Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH.

2. 01 bản chính hoặc 01 bản sao Giấy chứng nhận sức khỏe được cấp ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam theo quy định của Bộ Y tế.

Tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội thì khám sức khỏe tại một trong các bệnh viên sau:

- Tp.Hồ Chí Minh: BV Nhân dân 115, BV Trưng Vương, BV quận Thủ Đức, BVĐK Vạn Hạnh, BVĐK An Sinh, PKĐK Phước An-CN3, BV Chợ Rẫy, BV FV, PKĐK Quốc tế Columbia Asia Sài Gòn.

- Tp.Hà Nội: Bệnh viện E, BVĐK Xanh Pôn, BVĐK Đức Giang, BVĐK Đống Đa, BVĐK Hòe Nhai, BVĐK Việt Pháp, BVĐK tư nhân Hồng Ngọc, BVĐK quốc tế Thu Cúc, BVĐK tư nhân Tràng An, BVĐK tư nhân Hà Nội, PKĐK Viêtlife, PKĐK Dr.Binh TeleClinic, BV Bạch Mai.

- Các tỉnh thành khác vui lòng xem tại đây: >> Danh sách Bệnh viện Khám sức khỏe có yếu tố nước ngoài (Giấy Phép lao động)

3. Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp. Trường hợp người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp do Việt Nam cấp.
Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự được cấp không quá 06 tháng, kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ.

4. 01 bản chính hoặc 01 bản sao Văn bản xác nhận là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.

4.1. Đối với một số nghề, công việc, văn bản chứng minh trình độ chuyên môn, kỹ thuật của người lao động nước ngoài được thay thế bằng một trong các giấy tờ sau đây:

a) Giấy công nhận là nghệ nhân đối với những ngành nghề truyền thống do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;
b) Văn bản chứng minh kinh nghiệm của cầu thủ bóng đá nước ngoài;
c) Bằng lái máy bay vận tải hàng không do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với phi công nước ngoài;
d) Giấy phép bảo dưỡng tàu bay do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với người lao động nước ngoài làm công việc bảo dưỡng tàu bay.

Cụ thể:
· Đối với chuyên gia:

- Văn bản xác nhận là chuyên gia của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài, bao gồm: tên cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xác nhận; thông tin về chuyên gia: họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch và ngành nghề của chuyên gia phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến sẽ làm việc tại Việt Nam;

· Đối với lao động kỹ thuật

- Giấy tờ chứng minh hoặc văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài về việc đã được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác với thời gian ít nhất 01 năm phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến sẽ làm việc tại Việt Nam;

- Giấy tờ chứng minh đã có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến sẽ làm việc tại Việt Nam.

5. Văn bản thông báo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về vị trí công việc được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài hoặc văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc nhà thầu được tuyển người lao động nước ngoài vào các vị trí công việc không tuyển được người lao động Việt Nam.

6. 02 ảnh mầu (kích thước 4cm x 6cm, đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, phông ảnh màu trắng), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

7. Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật.

8. Các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài:

(nộp 01 bản chính hoặc 01 bản sao, nếu giấy tờ bằng tiếng nước ngoài thì miễn hợp pháp hóa lãnh sự, nhưng phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam)

- Đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam dưới hình thức Di chuyển nội bộ phải có văn bản của doanh nghiệp nước ngoài cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam và văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài đó tuyển dụng trước khi làm việc tại Việt Nam ít nhất 12 tháng (Hợp đồng lao động, Văn bản xác nhận của người sử dụng lao động, Quyết định tuyển dụng người lao động nước ngoài, hoặc Giấy chứng nhận nộp thuế hay bảo hiểm của người lao động nước ngoài)

- Đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam dưới hình thức Thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, dạy nghề và y tế; phải có hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài, trong đó phải có thỏa thuận về việc người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

- Đối với người lao động nước ngoài là nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng phải có hợp đồng cung cấp dịch vụ ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài và văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam được ít nhất 02 năm(Hợp đồng lao động, Văn bản xác nhận của người sử dụng lao động, Quyết định tuyển dụng người lao động nước ngoài, hoặc Giấy chứng nhận nộp thuế hay bảo hiểm của người lao động nước ngoài)

- Đối với người lao động nước ngoài thực hiện chào bán dịch vụ phải có văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ;

- Đối với người lao động nước ngoài Làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam thì phải có giấy chứng nhận tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;

- Đối với người lao động nước ngoài là Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại phải có văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thành lập hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ đó;

- Đối với người lao động nước ngoài là Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật mà tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam thì phải có văn bản chứng minh người lao động nước ngoài được tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài đó (Hợp đồng lao động, Văn bản xác nhận của người sử dụng lao động, Quyết định tuyển dụng người lao động nước ngoài, hoặc Giấy chứng nhận nộp thuế hay bảo hiểm của người lao động nước ngoài).

IV. TRÌNH TỰ THỦ TỤC
Địa điểm nộp hồ sơ: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài có toàn bộ thời gian làm việc cho người sử dụng lao động hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đóng trụ sở chính của người sử dụng lao động.

Trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.

Thời gian giải quyết hồ sơ: 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ.

Thời hạn của giấy phép lao động được cấp: tối đa là 02 (hai) năm

Lưu ý:
- Trước khi nộp hồ sơ xin Giấy phép lao động và trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) dự kiến tuyển người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động phải báo cáo giải trình theo quy định về nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, bao gồm: vị trí công việc, số lượng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, mức lương, thời gian làm việc và nộp trực tiếp tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính theo mẫu quy định và phải được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chấp thuận.

- Sau khi người lao động nước ngoài được cấp Giấy phép lao động thì sẽ được tiến hành thủ tục xin Thẻ tạm trú để được cư trú ở Việt Nam lâu dài mà không cần phải xin Visa.

Cơ sở pháp lý:

- Bộ luật lao động năm 2012.

- Nghị định số 11/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2016) thay thế Nghị định 102/2013/NĐ-CP.

- Thông tư 03/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành nghị định 102/2013/NĐ-CP

V. DỊCH VỤ XIN GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CỦA CÔNG TY CHÚNG TÔI
Công ty chúng tôi với kinh nghiệm thực tế và kiến thức chuyên môn của mình, với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý đã nghiên cứu quy định của Pháp luật Việt Nam về điều kiện, trình tự thủ tục cấp giấy phép lao động. Sử dụng dịch vụ pháp lý của Công ty chúng tôi, yêu cầu của quý khách hàng sẽ được đảm bảo trên cơ sở pháp lý vững chắc.

Các công việc mà chúng tôi sẽ thực hiện:
- Tư vấn cho Quý khách hàng các quy định và chuẩn bị các tài liệu, giấy tờ cần thiết.

- Soạn thảo các văn bản, biểu mẫu và chuẩn bị bộ hồ sơ hoàn thiện cho Quý khách hàng.

- Đại diện Quý khách hàng đi nộp hồ sơ và làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục (nếu có) và hỗ trợ Quý khách hàng các công việc liên quan.
---

Công ty chúng tôi với đội ngũ Luật sư và chuyên viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp lý sẽ nơi đáng tin cậy để quý khách giao phó công việc của mình.

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ Luật sư của chúng tôi để hỗ trợ trong quá trình giải quyết công việc xin vui lòng liên hệ với Công ty chúng tôi để được tư vấn, hỗ trợ một cách tốt nhất.

Tel. 0938 536 919
Địa chỉ: 58 Hoa Cau, Phường 7, Quận Phú Nhuận, Tp.Hồ Chí Minh